Nếu để học sinh tự nguyện thì mỗi giờ ra chơi (một trường học có gần ngàn em) thì số lượng những em đến thư viện đọc sách cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hàng ngàn cuốn sách giáo khoa, sách giảng dạy, sách tham khảo dùng cho giáo viên, hàng ngàn cuốn sách truyện cũ mèm gần như nằm im lìm hết ngày này qua ngày khác. Hàng sấp báo in được cuộn lại nhận thế nào gần như để nguyên thế ấy mà chẳng có dấu hiệu của người đọc.
Thư viện nhiều trường học đã và đang trở thành kho chứa sách và giấy báo cũ các loại. Đây là một thực tế buồn đang xảy ra ở không ít các thư viện trường học ở nhiều địa phương, dù biết buồn nhưng không thể không nói.
Thư viện trường học đã không thu hút được học sinh đến đọc sách một cách tự nguyện mà nhà trường phải cột vào thi đua từng lớp, từng giáo viên.
Thầy cô không muốn mình bị lưu tên vào “sổ đen” nhà trường nên đã phải theo dõi, giám sát và đeo bám học sinh để buộc các em đến thư viện chẳng khác gì “tội phạm”.
Đến thư viện trong tâm thế bắt buộc
Nếu để học sinh tự nguyện thì mỗi giờ ra chơi (một trường học có gần ngàn em) thì số lượng những em đến thư viện đọc sách cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không thể để thư viện sách đìu hiu nhưng lại không có cách gì kéo học sinh về thư viện một cách tự nguyện.
Không ít trường học đã đưa ra biện pháp rắn là buộc học sinh phải đến thư viện sau mỗi giờ ra chơi. Trách nhiệm này cột lên đầu mỗi thầy cô chủ nhiệm. Đó là việc lên lịch đọc sách cho các khối, các lớp. Ví dụ, sáng thứ hai là lịch đọc của khối 6 gồm các lớp 6A, 6B, 6C. Buổi chiều là lịch đọc của lớp 6D, 6E, 6H... Nhân viên thư viện sẽ đếm sĩ số học sinh/lớp và ghi vào sổ để cuối tuần xếp hạng trong sổ trực tuần.
Kết quả này sẽ ảnh hưởng đến xếp loại của lớp vào mỗi tuần, cuối mỗi kỳ và cả năm học. Lớp xếp loại chưa đạt số lượng bạn đọc vào thư viện đương nhiên giáo viên chủ nhiệm sẽ bị ảnh hưởng bởi việc xếp loại thi đua. Nhưng mệt mỏi hơn là cứ sau mỗi tuần tổng kết, nếu lớp chủ nhiệm có sĩ số học sinh đến thư viện ít nhất sẽ bị Ban giám hiệu nhắc nhở về công tác chủ nhiệm chưa tốt.
Thế nên cứ sau hồi trống báo giờ ra chơi, giáo viên phải làm nhiệm vụ lùa học sinh lớp mình vào thư viện. Không chỉ thế, thầy cô còn phải quan sát, nhắc nhở, theo dõi để chấn chỉnh kịp thời những học sinh không thực hiện đúng.
Đọc trong thế bắt buộc có hiệu quả không?
Nếu thư viện cuốn hút học sinh tự tìm đến để đọc thì đương nhiên việc đọc của các em sẽ hiệu quả hơn nhiều. Nhưng bị lùa đến nơi mà mình không thích các em vẫn chỉ ở trong tâm thế đối phó, đến cho có mặt.
Một số nhân viên thư viện có học sinh đến thư viện đông xem như đã đạt kế hoạch. Một số giáo viên có học sinh vào thư viện đã được nhân viên theo dõi ghi nhận sĩ số cũng xem như xong nhiệm vụ. Nhân viên vẫn thản nhiên ngồi nghe nhạc, xem phim hoặc nói chuyện vui đùa cùng giáo viên còn học sinh muốn đọc sao thì đọc.
Vậy nên có cảnh, có em vào thư viện đùa giỡn, em mang đồ ăn vào để ăn, em tụm năm tụm ba lại nói chuyện cho đến khi nghe tiếng trống báo hết giờ thì hò reo, vui mừng như bầy ong vỡ tổ.
Làm cách nào để hút học sinh vào thư viện đọc sách?
Tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách, viết bài cảm nhận sau khi đọc xong cuốn sách, kể chuyện theo sách, hay thư viện xanh (trưng bày sách ngoài sân trường, gốc cây)… nhưng số lượng học sinh đến với thư viện sách cũng chỉ xôm tụ được mấy hôm đầu rồi cảnh đìu hiu lại tiếp diễn.
Nguyên nhân văn hóa đọc của các em chưa được hình thành theo thói quen mà lỗi này không chỉ mình nhà trường, vai trò của gia đình có ảnh hưởng rất lớn. Nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là sách, báo của nhiều thư viện đã quá cũ và không còn hấp dẫn với các em.
Nhiều cuốn sách truyện, cuốn báo đang tồn tại hàng chục năm đến cũ mèm, nhà trường có bổ sung sách mới nhưng số lượng cũng không có nhiều do kẹt kinh phí. Có trường học đã rất nỗ lực như việc trao đổi sách báo của trường mình với trường bạn và cứ luân phiên hết trường này qua trường khác.
Lên thư viện huyện mượn sách báo mới về, liên kết với Hội đồng đội của huyện giao lưu giới thiệu sách có thưởng để thu hút sự tham gia của học sinh. Dù thế, chuyện học sinh tìm đến thư viện sách cũng không cải thiện được nhiều.
Để các em đam mê với sách thì sự nỗ lực của nhà trường thôi chưa đủ, chính phụ huynh phải tập cho con thói quen đọc sách ở nhà ngay từ khi các bé còn nhỏ.